Lịch sử Anh_hùng_lao_động_Xã_hội_Chủ_nghĩa_Liên_Xô

Danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa và Quy chế về danh hiệu được thành lập theo Nghị định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 27 tháng 12 năm 1938 "Về việc xác lập danh hiệu cao nhất - danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa"[1]. Trước đây đã có danh hiệu Anh hùng Lao động (Герой Труда).

Nội dung Quy chế có đoạn: "Danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa là danh hiệu cao nhất trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, văn hóa và được trao tặng cho những cá nhân có hoạt động sáng tạo đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực công, nông nghiệp, giao thông, thương mại, khám phá khoa học và phát minh kỹ thuật, đã đóng góp công lao đặc biệt cho nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học quốc gia, phát triển sức mạnh và vinh quang của Liên Xô". Theo Quy chế, Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa được tặng thưởng thêm Huân chương Lenin và bằng khen của Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô.

Một năm sau khi danh hiệu được thành lập, danh hiệu được trao lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 12 năm 1939, danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa được trao cho Stalin để vinh danh sinh nhật lần thứ sáu mươi của ông và "vì những công lao đặc biệt trong việc tổ chức Đảng Bolshevik, tạo thành nhà nước Xô viết, xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc trong Liên bang Xô viết".

Sau đó, theo Nghị định của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô ngày 22 tháng 5 năm 1940 "Về huân chương bổ sung cho Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa", một huân chương đặc biệt đã được thành lập - huân chương vàng "Búa liềm" (Медаль «Серп и Молот»)[2].

Ban đầu, không phong tặng Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa và tặng thưởng huân chương "Búa liềm" lần thứ hai cho một chiến công lao động đặc biệt nữa. Trong Nghị định của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 3 tháng 3 năm 1949 lần đầu tiên đã quy định có thể trao tặng Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa - những người tiên phong về nông nghiệp huân chương vàng "Búa liềm" thứ hai. Nghị định này quy định việc xây dựng tượng bán thân bằng đồng nếu được trao tặng huân chương "Búa liềm" hai lần nhằm mục đích vinh danh các Anh hùng trên quê hương của họ. Ngoài ra, hai lần trao huân chương vàng cũng được trao cho Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa, những người hoạt động trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân.

Huân chương Lenin ban đầu được trao tặng không quá một lần, chỉ trao tặng kèm duy nhất khi danh hiệu được trao lần đầu.

Sau đó, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô đã ban hành nghị quyết vào ngày 6 tháng 9 năm 1967, thiết lập một số đặc quyền dành cho Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa, Anh hùng Liên Xô và người có cả ba Huân chương Quang Vinh (Орден Славы). Danh sách trợ cấp được mở rộng đến kỷ niệm 30 năm ngày Chiến thắng theo Nghị định ngày 30 tháng 4 năm 1975 và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay, được pháp luật Liên bang Nga công nhận, mặc dù danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa đã bị bãi bỏ.

Nghị định ngày 14 tháng 5 năm 1973, phê chuẩn Quy định về danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa phiên bản mới. Quy chế xác định “Danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa là danh hiệu cấp cao nhất đối với công lao trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, văn hóa xã hội” và “được tặng cho những người có thành tích anh hùng lao động, có hoạt động sáng tạo đặc biệt xuất sắc, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, góp phần vào sự đi lên của kinh tế, khoa học, văn hóa, sự lớn mạnh và vinh quang của Liên Xô". Ngoài ra bãi bỏ việc hạn chế về số lần trao tặng lặp lại với huân chương "Búa liềm", tồn tại từ năm 1940 (không quá ba lần). Quy chế đã đưa ra thủ tục trao tặng Huân chương Lenin vào mỗi lần trao tặng Huân chương "Búa liềm". Quy chế cũng khẳng định nếu một cá nhân là Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa đồng thời là Anh hùng Liên Xô, thì tượng bán thân bằng đồng cũng được xây dựng trên quê hương cá nhân đó, tương đương cá nhân đó nhận hai lần danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Quy chế đã phê duyệt danh sách các phúc lợi được thiết lập trước đó. Theo Nghị định của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô ngày 22 tháng 8 năm 1988 "Về việc cải tiến thủ tục xét tặng các giải thưởng Nhà nước của Liên Xô", việc tặng thưởng nhiều lần huân chương "Búa liềm" đã bị dừng lại. Anh hùng Liên Xô, cũng là Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa, theo yêu cầu của các cơ quan chính phủ và tổ chức công có thể dựng tượng bán thân bằng đồng. Do đó chưa có bức tượng bán thân bằng đồng được dựng lên.

Ba năm sau, năm 1991, danh hiệu này bị bãi bỏ cùng với hệ thống giải thưởng của Liên Xô.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa còn sống - công dân của Nga được trả khoản tiền mặt hàng tháng, từ ngày 1 tháng 4 năm 2014 lên tới 36,930 rúp 55 kopecks.